Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Trang thông tin cải cách hành chính như thế nào?
195 người đã bình chọn
2561 người đang online

Trên đất làng Quan Nội

Đăng ngày 27 - 02 - 2024
100%

- Nằm bên sông Tuần Ngu (một nhánh của sông Mã), làng Quan Nội, phường Long Anh (TP Thanh Hóa) trước đây thuộc xã Hoằng Anh (huyện Hoằng Hóa). Vùng đất này suốt một thời gian dài từng là lỵ sở của huyện Hoằng Hóa. Trên đất Quan Nội ngày nay là một không gian văn hóa làng với địa danh, di tích gắn liền với sự hình thành, phát triển của vùng đất cổ.

Tại di tích đình - đền Quan Nội còn lưu giữ những dấu ấn kiến trúc cổ kính. Ảnh: Khánh Lộc

Theo tài liệu lưu giữ và truyền ngôn tại địa phương, làng Quan Nội có lịch sử lập làng từ thời Lý - Trần. Tương truyền, làng do ông Đạo Tính - một người đàn ông đến từ vùng Kinh Bắc trong hành trình du ngoạn núi sông, khi đến dải đất bên sông Tuần Ngu thấy thế đất tốt tươi, bằng phẳng, đã quyết định dừng chân lập nghiệp.

Với địa thế thuận lợi: “Sông Tuần một dải dài ghê/ Thuyền đi xuôi ngược, thuyền về sao giăng”, có lẽ bởi vậy mà khi xưa trong quá trình phát triển, Quan Nội trở thành lỵ sở của huyện Hoằng Hóa. Trên đất làng Quan Nội có “chợ Huyện” - địa chỉ giao thương buôn bán sầm uất bậc nhất của vùng. Chợ thường họp vào các ngày phiên (mùng 3, 8, 13, 18, 23, 28) thu hút rất đông tiểu thương từ khắp nơi về họp. Những phiên chợ Huyện đông vui, náo nhiệt cho đến nay vẫn là ký ức đẹp thường được các bậc cao niên trong làng kể lại.

“Gắn liền với chợ Huyện là nghề buôn thuyền của làng Quan Nội. Sử cũ cho biết, khi sông Mã chưa chảy về Hàm Rồng thì chợ Huyện sầm uất lắm. Nó được coi là thương cảng lớn của Hoằng Hóa với sự ra đời của nghề buôn thuyền từ thế kỷ XIV. Thuyền Quan Nội đóng bằng gỗ, dài khoảng 15 - 20m, chở được trên dưới 5 tấn hàng hóa. Mỗi chủ có 1 thuyền, có chủ 2, 3 thuyền. Trong xã lúc này có tới 50 - 60 thuyền như vậy. Thuyền đi khắp đây đó, khi ra Bắc, khi vào Nam, mua hàng về bán sỉ hoặc bán lẻ tại chợ Huyện và các chợ trong vùng... Những ngày tết về, chợ Huyện trở nên tấp nập hơn nhiều, trên bến dưới thuyền san sát những cánh buồm nâu giăng suốt từ Quan Nội lên mãi Cầu Tào... Do nghề buôn thuyền phát triển mà làng Quan Nội trở thành một trong những làng có nhiều gia đình giàu có của huyện”. (Sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân xã Hoằng Anh).

Nhờ việc giao thương, buôn bán sớm phát triển không chỉ mở mang kinh tế cho vùng đất bên sông Tuần, mà còn góp phần tạo nên một không gian làng xã đặc trưng với những công trình kiến trúc văn hóa giàu giá trị trên đất làng Quan Nội.

“Bức tranh” làng Quan Nội được miêu tả: “Ở đầu làng là ngôi chợ lâu năm, dấu ấn trường tồn của một vùng quê dân cư giang khúc. Đứng ở cuối làng nhìn ra cánh đồng phía Nam có bệ thờ Thần Nông (giờ gọi là “cây đa bệ”). Phong tục xưa, vào các ngày rằm, mùng một hằng tháng, dân làng thường ra thắp hương khấn Thần nông phù hộ được mùa. Nhìn về phía Tây thì có chùa Long Khánh thờ Phật Thánh... Phía Đông Bắc, bên cạnh chợ Huyện có ngôi đền to cổ kính thờ Tứ vị Thánh nương”. (Sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng của Nhân dân xã Hoằng Anh).

Đặc biệt, trên đất làng Quan Nội trước đây còn có đền Quốc Mẫu gắn liền với niềm tự hào của người dân địa phương về một người mẹ can đảm, giàu lòng yêu nước. Truyền ngôn kể rằng, vào đầu thế kỷ XV ở Quan Nội có người phụ nữ tên Hà Thị Cai. Khi về già, do không có con cháu nên bà xuôi theo sông Mã, lên đất làng Sở (nay là làng Nghĩa Hương thuộc xã Hoằng Xuân, Hoằng Hóa) mở quán bán nước ven đê. Bấy giờ, Bình Định vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Trong một lần ông bị kẻ địch truy đuổi, khi vượt qua sông Mã thì gặp hàng nước của bà Hà Thị Cai và vị chủ tướng của khởi nghĩa Lam Sơn đã được bà mưu trí giúp đỡ thoát nạn. Sau khi lên ngôi, không quên công ơn cứu giúp của bà bán nước năm xưa, Vua Lê Thái Tổ đã cho người mời bà ra kinh đô Thăng Long. Khi qua đời, bà được truy phong Quốc Mẫu, nhà vua sắc phong cho dân hai làng Quan Nội và Nghĩa Hương (làng Sở) lập đền thờ phụng. Cũng từ đấy, hai làng có mối quan hệ “kết chạ” cùng nhau.

Đền Đức Thánh Cả làng Quan Nội được tôn tạo khang trang.

Đi qua thời gian với những biến động, thăng trầm, không tránh khỏi những hư hỏng của một số công trình kiến trúc trên đất làng Quan Nội. Dẫu vậy, với niềm tự hào, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống ông cha, người dân Quan Nội đã cùng nhau đóng góp kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích. Và vì thế, trên đất Quan Nội ngày nay nhiều công trình kiến trúc gắn liền với đời sống tinh thần, là “điểm nhấn” văn hóa - “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương đang được phát huy giá trị.

Đó là đền Đức Thánh Cả thờ Tứ vị Thánh nương. Ngôi đền uy linh bên sông Tuần có lịch sử khởi dựng vào thời Lê. Đến năm 2011 đền được tôn tạo khang trang trên nền móng cũ. Bà Lê Thị Sót, người dân làng Quan Nội trông coi và giữ việc hương khói tại đền Đức Thánh Cả tự hào, cho biết: “Trong lịch sử, đền Đức Thánh Cả đóng vai trò quan trọng với nhiều thế hệ người dân địa phương, góp phần tạo nên nét văn hóa riêng - thuần phong mỹ tục của đất và người Quan Nội. Chính vì thế, khi có chủ trương tôn tạo di tích, người dân rất hào hứng, hồ hởi đóng góp. Việc tôn tạo di tích chỉ trong một năm đã hoàn thành. Tại đền Đức Thánh Cả vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm diễn ra lễ hội thu hút đông đảo người dân, con cháu xa gần cùng về tham gia”.

Cùng với đền Đức Thánh Cả, di tích đình - đền Quan Nội cũng là điểm nhấn văn hóa của vùng đất cổ. Với kiến trúc phía trước là đình, sau là đền, di tích có lịch sử lập dựng qua nhiều giai đoạn. Đặc biệt, tại đền Quan Nội còn lưu giữ nhiều dấu ấn kiến trúc thuở trước. Bà Nguyễn Thị Dịu, công chức văn hóa - xã hội phường Long Anh, cho biết: “Tại đình - đền Quan Nội phối thờ nhiều nhân vật (thiên thần và nhân thần) được người dân tôn kính. Cũng bởi vậy mà di tích có nhiều cách gọi khác nhau như đình - đền thờ thần Bản Thổ, rồi đình - đền Nhà Quan, mỗi tên gọi lại có những lý giải khác nhau. Tuy nhiên, không vì thế mà ảnh hưởng hay làm mất đi giá trị của di tích"...

Trong sự chảy trôi của cuộc sống hối hả, người dân nơi đây vẫn trân quý những giá trị văn hóa truyền thống. Đó là cổng làng, giếng làng, đình, đền, chùa. Tất cả cùng hiện hữu, tạo nên vẻ đẹp của đất làng Quan Nội.

<

Tin mới nhất

Thái úy Hà Thọ Lộc: Người con ưu tú của đất Mường Khoòng(22/04/2024 7:38 SA)

Về thăm Đền thờ Tiến sỹ Đào Xuân Lan(22/04/2024 7:36 SA)

Quận công Lê Phúc Hoạch(21/03/2024 3:35 CH)

Trên đất làng Quan Nội(27/02/2024 3:51 CH)

Về nơi có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia(27/02/2024 3:48 CH)

Bản chân mây(27/02/2024 3:45 CH)

Xứ Thanh, chợ tết và văn hóa chợ tết(07/02/2024 8:08 SA)

Một vùng thắng tích(30/01/2024 10:24 SA)

°