Công tác tổ chức và nhân sự chính quyền địa phương ở Việt Nam tuy đã đạt được những kết quả tích cực và rất quan trọng; nhưng vẫn còn những khó khăn, hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn để có giải pháp giúp chính quyền địa phương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân sự phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế đặt ra.
Những thách thức về tổ chức và nhân sự của chính quyền địa phương
Thứ nhất, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tạo ra những cơ hội và thách thức đan xen, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn(1).
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng nhận định: cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thoả hiệp. nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, quyết liệt, phức tạp hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột…
Thứ hai, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh những thách thức trong thu hút đầu tư từ bên ngoài, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở trong nước là: “Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu(2).
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, do đó phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết quốc tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế trong nước phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc(3). Trong khi đó, quản trị nhà nước nói chung và hoạt động chính quyền địa phương nói riêng chưa có được một hệ thống thể chế đầy đủ, đồng bộ theo hướng tập trung vào sự phát triển kinh tế; sự bình đẳng đối với các thành phần kinh tế; sự phát triển của các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực công, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra: kinh tế đã thực hiện đổi mới, từng bước phát triển và có những bứt phá, tuy nhiên hệ thống chính trị còn chưa đổi mới theo kịp sự phát triển của kinh tế. Thêm vào đó, chính quyền địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức và nhân sự làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Bối cảnh trong nước và thế giới có những biến động khó lường như hiện nay đòi hỏi trong quản trị quốc gia phải có những quyết định quyết liệt hơn, nhanh hơn, xử lý số lượng thông tin nhiều hơn, chọn lọc trong kết nối thông tin đa chiều và mọi thứ liên quan đến nhau rất chặt chẽ. Trong môi trường biến động và tiềm ẩn những yếu tố khó lường, các nhà quản trị phải tập trung vào việc hoạch định chính sách mang tính “khả thi”, có thể thực hiện được trong thực tế, chủ động dự báo những thay đổi, chứ không chỉ là những vấn đề “có thể xảy ra” với những xác định chắc chắn từ việc phân tích các nhân tố đã có từ trước. Như vậy, cách tiếp cận quản trị nhà nước trong những phạm vi nhất định cần có sự thay đổi phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Thực trạng tổ chức và nhân sự chính quyền địa phương ở Việt Nam
Sau nhiều năm tiến hành cải cách, hệ thống tổ chức của chính quyền địa phương ở Việt Nam từng bước được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ được phân định, điều chỉnh hợp lý, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hệ thống tổ chức cơ bản ổn định, phù hợp với các quy định pháp luật, bảo đảm vai trò quản lý của chính quyền địa phương, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Báo cáo tại Hội nghị giao ban ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày 02/01/2019 đã chỉ rõ: việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị thời gian qua đã đạt kết quả tích cực. Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc tinh gọn bộ máy đã giảm 65 tổ chức cấp sở; 5.120 đầu mối cấp phòng; hơn 170 lãnh đạo cấp sở; khoảng 8.350 lãnh đạo cấp phòng và hơn 59.700 biên chế. Việc triển khai kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý và hợp nhất một số mô hình tổ chức bộ máy cũng đạt kết quả đáng kể. Có gần 600 đơn vị cấp huyện (trên tổng số 713 đơn vị cấp huyện) thực hiện thí điểm Trưởng ban Ban tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị (nay là Trung tâm Chính trị); 08 địa phương sáp nhập Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện với các ban tham mưu cấp ủy hoặc với các cơ quan khác. Qua đó đã giảm gần 600 lãnh đạo cấp phòng, hơn 130 biên chế.
Cả nước có gần 250 quận, huyện thực hiện thí điểm Trưởng ban Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, giảm khoảng 220 lãnh đạo cấp phòng và gần 70 biên chế; 13 tỉnh có Trưởng ban Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, giúp giảm 13 lãnh đạo ban, ngành cấp tỉnh. Trong 713 đơn vị cấp huyện đã có gần một nửa triển khai thực hiện thí điểm Trưởng ban Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng phòng Phòng Nội vụ, giảm 36 lãnh đạo cấp phòng và 11 biên chế; 23 quận, huyện của 13 tỉnh, thành phố đã có Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh Thanh tra, giảm 23 lãnh đạo cấp phòng và 9 biên chế(4).
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy và hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương hiện nay vẫn còn một số bất cập. Cụ thể là:
Thứ nhất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý, đồng bộ, còn tình trạng bao biện làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ;
Thứ hai, việc kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt kết quả như mong muốn;
Thứ ba, công tác quản lý nhân sự chưa chặt chẽ, số người làm công tác phục vụ còn chiếm tỉ lệ cao, số lãnh đạo cấp phó nhiều, việc bổ nhiệm “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Trong đội ngũ công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý có không ít người hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực không tương xứng với trọng trách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước lớn, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố còn nhiều.
Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của một số cơ quan nhà nước ở chính quyền địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương thiếu chặt chẽ. Chưa phân định rõ tính đặc thù của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo. Các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị cấp huyện, cấp xã chưa bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và nhân sự chính quyền địa phương ở Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cần từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo sự tham gia của Nhân dân trong quản trị nhà nước, thực hiện “Nhà nước lái thuyền, Nhân dân chèo thuyền” và đảm bảo có được một đội ngũ các nhà quản trị liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ Nhân dân, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở khoa học về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, bộ máy chính quyền địa phương nói riêng đáp ứng yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn, hướng tới sự ổn định và phát triển kinh tế trong môi trường hội nhập quốc tế. Chính quyền địa phương kiến tạo phát triển được hiểu là: chủ động tham gia thiết kế, thực thi hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để thúc đẩy nền kinh tế phát triển; không làm thay thị trường, mà phải tham gia kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi; đảm bảo sự minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động quản trị nhà nước. Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp. Việc có tiếp tục tổ chức Hội đồng nhân dân ở các cấp chính quyền địa phương hay không cần phải được nghiên cứu, phân định theo tính chất đô thị, nông thôn, hải đảo, vùng kinh tế đặc biệt hướng tới chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Hai là, từng bước thống nhất một đầu mối quản lý về công tác tổ chức bộ máy, quản lý về nhân sự trong thiết kế, xây dựng, tổ chức thực hiện đối với hệ thống tổ chức bộ máy và công tác nhân sự trong khu vực công. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các bộ luật, đạo luật và văn bản dưới luật đảm bảo phù hợp với thực tế triển khai thực hiện. Thực hiện phân cấp, phân quyền về tổ chức và nhân sự cho chính quyền địa phương từng cấp chủ động trong thiết kế các tổ chức sở, phòng chuyên môn cho phù hợp với từng địa phương về diện tích tự nhiên, dân số, địa lý, văn hóa, xã hội, nông thôn, đô thị. Bởi vì, công tác tổ chức bộ máy và công tác quản lý nhân sự chỉ thực sự hiệu quả khi thống nhất đầu mối quản lý, chỉ đạo và phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với kết quả thực thi công vụ.
Ba là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các cấp chính quyền địa phương trong quản lý tổ chức bộ máy, số lượng đầu mối và nhân sự tối thiểu đối với một đơn vị tổ chức, tiêu chuẩn cần có đối với nhân sự lãnh đạo, quản lý các cấp, quy chế hoạt động và phối hợp giữa các cơ quan liên quan và các chế tài cần thiết kèm theo. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chủ động trong thiết kế tổ chức bộ máy và nhân sự cụ thể.
Nghiên cứu thành lập nhóm phối hợp điều hành tư vấn về công tác tổ chức bộ máy và nhân sự ở cấp cao nhằm xem xét, nghiên cứu, rà soát về công tác tổ chức bộ máy, sự đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ ban hành. Nghiên cứu thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng công chức nhà nước theo khu vực để từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức nhà nước trong cả nước.
Quản trị nhà nước cần các nhà quản trị có tầm nhìn chiến lược, có khả năng bao quát, dự báo những biến động để có cái nhìn rõ ràng về tổ chức, xác định rõ nhiệm vụ, giá trị và chiến lược chung; có khả năng thích ứng, linh hoạt với sự thay đổi, can đảm đương đầu thách thức, khó khăn; có khả năng học hỏi, hiểu biết. Mặt khác, các nhà quản trị cần có hiểu biết sâu sắc về các khía cạnh đặc thù và chiến lược của mỗi tổ chức, để có thể phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh chóng, phức tạp.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng đối với công tác nhân sự của chính quyền địa phương là hoạch định chiến lược phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải mang tính chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, cần tập trung làm tốt một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, tạo nguồn cán bộ từ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, tiềm năng, được chọn lọc từ thế hệ trẻ của các địa phương. Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ và tạo môi trường, điều kiện để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ. Tập trung nâng cao chất lượng bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp và đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
Thứ hai, các khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải được thực hiện đúng quy định pháp luật, phù hợp với chính sách chung và những quy định của địa phương. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động giữ vị trí phù hợp với chức danh quy hoạch ở địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của cán bộ, công chức.
Thứ ba, có chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng để đảm bảo giữ chân và đánh giá đúng đối với những người có tài năng, góp phần phục vụ cho sự phát triển của địa phương. Hoàn thiện cơ chế, đẩy mạnh thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng và đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận. Chủ động tìm kiếm, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài về làm việc tại địa phương./.
------------------------------------------
Ghi chú:
(1),(2),(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.105, tr.106, tr.106.
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/tinh-gian-gan-200-lanh-dao-cap-vu-va-tong-cuc-3862541. html. 03/01/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. http://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/mot-so-diem-moi-noi-bat-trong-cac-van-kien-cua-dang-132091.
2.http://vietnamnet,vn/vn/thoi-su/bai-phat-bieu-tam-huyet-thang-than-cua-bo-truong-bui-quang-vinh-286198.html
3. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017/ Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ”Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
4.http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieu diem/cai-cach-the-che-lua-chon-cho-viet-nam-571372.html
PGS.TS Ngô Thành Can, Học viện Hành chính Quốc gia