Việt Nam có thể học tập mô hình Chính phủ điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (Tập đoàn CMC), thành viên Tổ công tác giúp việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử), việc xây dựng Chính phủ điện tử, quản trị công, chính phủ số lấy người dân làm trung tâm là một quá trình lâu dài và tập trung.
Page Content
Vì vậy, trong Báo cáo đánh giá độc lập về Chính phủ điện tử Việt Nam, ông Chính đã đưa ra một số đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn nữa và đóng góp và quá trình chung này.
Thứ nhất, Chính phủ điện tử là sự cải tiến/nâng cao song song của cả quản trị công và công nghệ nhằm tiến tới một Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số toàn diện mà kết quả mà người dân được thụ hưởng chính là các dịch vụ công được tập trung/trực tuyến/số hóa.
Giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã lần lượt áp dụng cả công nghệ và các cải cách trong quản trị công để xây dựng Chính phủ điện tử, thời gian tới đây, đề xuất đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ nhằm hỗ trợ tối đa cho quản trị công và người dân.
Thứ hai, mở rộng việc giao cho doanh nghiệp tham gia cùng nhà nước trong quá trình cải cách và đẩy mạnh áp dụng hình thức PPP (đối tác công tư), giảm bớt, tiến tới bỏ việc nhà nước tổ chức thực hiện dịch vụ công, nên đấu thầu giao cho doanh nghiệp làm.
Thứ ba, đề xuất hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử cho các Bộ, ngành, địa phương, đô thị và tổ chức đánh giá định kỳ hằng tháng để báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và Chính phủ. Có phần mềm đánh giá online hằng tháng nhằm thúc đẩy việc phấn đấu xây dựng Chính phủ điện tử của các đơn vị.
Thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng xây dựng và khai trương Cổng dữ liệu mở quốc gia nhằm hình thành dữ liệu mở, công khai dữ liệu hành chính thuộc sở hữu của Chính phủ và thúc đẩy thiết kế vận hành hệ thống, nghiệp vụ dựa trên các kết quả đã đạt được như trục liên thông nhằm mở rộng các phạm vi mở theo đúng chỉ đạo về các cơ sở dữ liệu quốc gia còn đang thiếu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư và cơ sở dữ liệu đất đai.
Thứ năm, Việt Nam có thể học tập mô hình Chính phủ điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc bởi có sự gần gũi về văn hóa.
Trong Báo cáo đánh giá độc lập về Chính phủ điện tử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CMC cũng trích dẫn kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc khi xây dựng Chính phủ điện tử.
Cụ thể, trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử của Nhật Bản trải qua 5 giai đoạn và hiện nay đang trong quá trình xây dựng xã hội 5.0 với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng kinh tế và Chiến lược quốc gia về đổi mới, song hành với Chiến lược số và Chiến lược dữ liệu. Cấu trúc về xã hội 5.0 của Nhật Bản dựa trên nền tảng trao đổi dữ liệu và khuôn khổ khả năng tương tác của Chính phủ.
Hàn Quốc luôn đứng đầu trong các đánh giá về Chính phủ điện tử trên thế giới và đang trong quá trình xây dựng Chính phủ số với sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, SK… Cơ sở nền tảng của Chính phủ điện tử của Hàn Quốc chính là hệ thống hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng tập trung của toàn thể các bộ ngành, địa phương.
Với xu thế công nghệ 4.0 hiện nay, ông Chính cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể học tập để xây dựng cơ chế sử dụng một nền tảng V-Cloud nhằm tận dụng các nguồn lực đã được đầu tư tại các Bộ, ngành, địa phương và tái sử dụng tại các Bộ, ngành, địa phương chưa đầu tư. Nền tảng này có thể thực hiện thông qua các chương trình phối - kết hợp công tư (PPP) hoặc do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì…
Nguồn: mothegioi.vn