Thứ ba, ngày 1 tháng 7 năm 2025 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
Bạn thấy nội dung trên Trang thông tin cải cách hành chính như thế nào?
229 người đã bình chọn
1746 người đang online

Một số giải pháp đột phá về chuyển đổi số hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại trong bối cảnh mới

Đăng ngày 20 - 06 - 2025
100%

Tóm tắt: Bài viết trình bày những nghiên cứu về thực trạng chuyển đổi số nền hành chính ở Việt Nam và những yêu cầu đối với một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số nền hành chính trong bối cảnh thế giới đang tăng tốc chuyển đổi số, phát triển các chính phủ số, đồng thời với quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta thể hiện tại Nghị quyết 57-NQ/TW.

 

Từ khoá: Chuyển đổi số, chính phủ số, nền hành chính hiện đại

Abstract: The article presents research on the current status of digital transformation of administrative systems in Vietnam as well as the requirements for a professional and modern administration. Thus, the issue of proposing solutions to promote the digital transformation of the administrative system, in the context of a world accelerating digital transformation, developing digital governments, and the strong political determination of our Party and State, is addressed in Resolution 57-NQ/TW.

Keywords: Digital transformation, digital government, modern administration

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến làn sóng cách mạng khoa học và công nghệ mới, đặc biệt với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), Việt Nam đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá trong tăng trưởng kinh tế - xã hội. Sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị(1), một trong những “bộ tứ chiến lược”, đã xác lập rõ quan điểm, coi phát triển chuyển đổi số quốc gia là một trong ba đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để đổi mới phương thức quản trị quốc gia. Theo đó, chuyển đổi số hướng tới nền công vụ chuyên nghiệp, hiện đại là một thành tố quan trọng, yêu cầu cấp thiết và là động lực chiến lược cho sự phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số.

Bối cảnh và chủ trương, định hướng chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một xu hướng toàn diện, không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi căn bản cách thức vận hành của các cơ quan, tổ chức, theo một phương thức hoạt động mới, dựa trên nền tảng của các công nghệ số(2). Các công nghệ cốt lõi như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud computing), công nghệ chuỗi khối (block chain) là những động lực chính thúc đẩy quá trình này. Nhiều nước trên thế giới đang tiến tới hoàn thiện hoạt động theo mô hình Chính phủ số(3), thực hiện toàn diện các hoạt động của chính phủ, các dịch vụ công trên môi trường số, mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia.

Trước bối cảnh đó, trong thời gian gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, định hướng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhất là chuyển đổi số. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị(4) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp cho phát triển chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan đảng, Quốc hội, Chính phủ. 

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta đã xác định mục tiêu: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn”; chuyển đổi số trong tất cả các cơ quan nhà nước; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, quản lý nhà nước; phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số(5).

Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh thế giới tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ sang kỷ nguyên số. Nghị quyết được xác định là “chìa khóa vàng” để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, trong đó khoa học công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực và chuyển đổi số là phương thức, công vụ để phát triển đất nước. 

Nghị quyết số 57-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030: “Quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới;… Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử”.

Yêu cầu cơ bản đối với một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại(6)

Một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp không thể tách rời hoạt động chuyển đổi số, do vậy một số yêu cầu đặt ra như sau:

(1) Chuyển đổi số nền hành chính phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Việc thiết kế dịch vụ và quy trình hành chính theo hành trình người dùng (user journey), đảm bảo khả năng truy cập dễ dàng, đa kênh, thân thiện, minh bạch, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn diện; liên thông từ Trung ương đến địa phương.

(2) Chính quyền số phải bảo đảm ba trụ cột: Dữ liệu số - Quy trình số - Năng lực số

Dữ liệu số là tài nguyên chiến lược: Cần có hệ thống quản lý, khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung hiệu quả; thiết lập các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành; tăng cường khai thác dữ liệu lớn (big data) phục vụ ra quyết định, cảnh báo sớm, phân tích chính sách.

Số hóa toàn diện quy trình công vụ: Từ tiếp nhận, xử lý, phản hồi đến giám sát, đánh giá. Quá trình này đòi hỏi một tổ chức bộ máy tinh gọn, số hóa toàn diện, giảm tầng nấc trung gian, đồng thời tái thiết kế quy trình nghiệp vụ theo hướng “không giấy tờ, không tiếp xúc”.

Nâng cao năng lực số cho đội ngũ công chức: Bao gồm nhận thức, kỹ năng số, kỹ năng ra quyết định dựa trên dữ liệu. Việc này đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức phải được đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn năng lực số. Hình thành văn hóa làm việc “trực tuyến”.

(3) Kiến trúc tổng thể hiện đại, bảo đảm liên thông - tích hợp - chia sẻ

Kiến trúc chính quyền số phải đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo kết nối đồng bộ các hệ thống thông tin quản lý nhà nước; tăng cường sử dụng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; ứng dụng AI, IoT, blockchain, điện toán đám mây vào công tác quản lý hành chính công; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ, định danh điện tử, thanh toán điện tử...

(4) Pháp lý, thể chế phải đồng bộ với công nghệ

Nền hành chính hiện đại đòi hỏi phải có khuôn khổ pháp lý linh hoạt cho dịch vụ số, dữ liệu mở; xử lý hồ sơ, văn bản điện tử có giá trị pháp lý tương đương giấy tờ; bảo đảm quyền riêng tư, an ninh mạng, định danh số. Có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để áp dụng công nghệ mới trong nền hành chính.

Khái quát thực trạng về chuyển đổi số nền hành chính

Thực hiện các chủ trương của Đảng, theo nguyên tắc “đi tắt, đón đầu”, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả trong chuyển đổi số, trong đó có thành tựu của chính phủ điện tử, chính phủ số và tiếp cận nền hành chính, công vụ hiện đại.

* Về thể chế, phát triển hành lang pháp lý cho chuyển đổi số

Thể chế về khung pháp lý, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số ngày càng được hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số quốc gia(7) như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025; Triển khai các dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; Triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW v.v…. Các chương trình, kế hoạch nêu trên vừa là các nhiệm vụ giải pháp cụ thể vừa là căn cứ, định hướng cho mọi các hoạt động chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới phục vụ chuyển đổi số như Luật Dữ liệu số năm 2024; Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.v.v… góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số.

* Về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số(8)

- Về chỉ số phát triển Chính phủ số:  

Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt tạo hiệu ứng và kết quả tích cực. Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI)(9) năm 2024 của Liên hợp quốc, Việt Nam có vị trí thứ 71 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 15 bậc so với năm 2022, chuyển từ nhóm xếp hạng Chính phủ điện tử (EGDI) “Cao” lên nhóm EGDI “Rất cao”, vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003.

- Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cơ quan nhà nước:  

Năm 2024, Chính phủ đã giao 5.117 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương với hệ thống cung cấp API kết nối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 03 bộ và 19 địa phương. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả, tính đến hết quý I.2025, Hệ thống đã phục vụ 111 hội nghị, phiên họp của Chính phủ, tăng 94 phiên họp so với năm 2021; thực hiện xử lý 2.658 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, tăng 2.334 phiếu so với năm 2021 và thay thế khoảng 953.700 hồ sơ giấy.

- Về hệ thống cơ sở dữ liệu: 

Theo thống kê, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã thiết lập được 388 điểm kết nối giữa các hệ thống và cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị, cung cấp trên 30 dịch vụ dữ liệu với 2,59 tỷ giao dịch, trong đó năm 2024 đạt 942 triệu giao dịch. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai, kết nối và chia sẻ dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương và 04 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu. Trong đó hoàn thành xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức. Tính đến nay, 100% bộ, ngành và địa phương đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức; đã đối khớp được 1.289.148 hồ sơ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Cán bộ công chức viên chức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư trong tổng số 1.289.208 hồ sơ đã được phê duyệt.

- Về dịch vụ công trực tuyến: 

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của 63 tỉnh, 21 bộ đã kết nối với VNeID thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp nhà nước; gần 60 triệu tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt; đã cấp trên 87,7 triệu thẻ CCCD gắn chíp cho công dân. 

Các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh rà soát, cấu trúc lại quy trình TTHC để tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối, thanh toán trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tính đến ngày 15/3/2025, đã có 3.541 TTHC cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (2.153 thủ tục của người dân, 1.945 thủ tục của doanh nghiệp), trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: Đăng ký cấp biển số xe lần đầu; Đăng ký tạm trú; Xác nhận thông tin cư trú; Cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước (thực hiện tại cấp tỉnh); Đăng ký thành lập hộ kinh doanh,...

Theo thống kê, đến ngày 15/3/2025, đã có trên 493,59 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 66,25 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm hết Quý I/2025, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của bộ ngành đạt 66,45% (tăng 12,96% so với cùng kỳ 2024); địa phương đạt 49,66% (tăng 6,58% so với cùng kỳ 2024). Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.475 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính và đồng bộ hơn 382 triệu hồ sơ trạng thái xử lý, tăng 82,5 triệu so với năm 2023.

Đến nay, có hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp; 87,08% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; hơn 13 triệu chữ ký số đã được cấp, đạt tỷ lệ 25% tổng số người trưởng thành có chữ ký số. 100% người dân sử dụng VNeID để đăng nhập Dịch vụ công trực tuyến với hơn 93,7 triệu lượt truy cập vào cuối tháng 11/2024. 

* Về cải cách hành chính(9):

Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước đã tác động lớn tới công tác cải cách hành chính. Nhờ chuyển đổi số, nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, hoặc bị cắt giảm. Từ năm 2021 đến tháng 02 năm 2025, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.199 quy định kinh doanh tại 272 văn bản quy phạm pháp luật; tỷ lệ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đạt 90% ; tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lý lịch tư pháp đạt 12%.

Theo đó, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các địa phương (PAR INDEX) ngày càng tăng (năm 2024, Chỉ số SIPAS đạt trung bình là 83,94%, tăng 1.28% so với năm 2023)(10). 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại cũng còn có những hạn chế, khó khăn thách thức như: Nhận thức, tư duy quản trị cũ và ngần ngại thay đổi ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến tình trạng “số hóa hình thức”; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách cụ thể vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số toàn diện; cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện tại chưa đồng bộ và chưa đáp ứng đủ yêu cầu của quá trình chuyển đổi số toàn diện; vẫn có tình trạng vừa thiếu nhân lực công nghệ, vừa thiếu cán bộ hiểu biết về dữ liệu, an toàn thông tin, quản trị công nghệ trong quản lý nhà nước.

Khuyến nghị một số giải pháp về chuyển đổi số hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW, tạo đột phá chuyển đổi số hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị:  Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 57-NQ/TW, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong chuyển đổi số. Kết quả thực hiện chuyển đổi số cần được xác định là tiêu chí đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, đánh giá thi đua, khen thưởng hằng năm; triển khai các chương trình tuyên truyền, giáo dục hiệu quả, sâu rộng phong trào “bình dân học vụ số”, "học tập số", phổ cập, nâng cao kiến thức khoa học, công nghệ, kiến thức số trong cán bộ, công chức và người dân, tạo niềm tin và khí thế mới trong xã hội.

Thứ hai, đột phá về thể chế: Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến chuyển đổi số trong các văn bản luật và văn bản dưới luật, để tháo gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số; đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực trên môi trường số; cải cách, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; sớm hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu mở, dữ liệu cá nhân, định danh điện tử cho cán bộ công chức, viên chức và người dân.

Thứ ba, đầu tư đồng bộ và phát triển hạ tầng số hiện đại: Chính phủ cần sử dụng dữ liệu như một tài sản chiến lược quan trọng; ưu tiên nguồn lực và đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng viễn thông, Internet băng thông siêu rộng, mạng thông tin di động 5G/6G và các thế hệ tiếp theo, đảm bảo yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững và phủ sóng toàn quốc; sớm hoàn thành Trung tâm dữ liệu quốc gia và các trung tâm dữ liệu vùng, xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia và các ngành; xây dựng nền tảng số dùng chung quốc gia, phát triển hệ thống giám sát, điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công; bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên nền tảng số.

Thứ tư, chuyển đổi toàn diện hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trên môi trường số: Đẩy nhanh hoàn thiện Chính phủ số, hình thành hệ sinh thái chính phủ số; xây dựng kiến trúc chính quyền số ba cấp (trung ương - tỉnh - xã) trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu toàn diện, đảm bảo liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước; hoàn thiện hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, thay đổi toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cá nhân hóa và dựa trên dữ liệu, không phụ thuộc địa giới hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tái cấu trúc quy trình hành chính trên nguyên tắc "số hóa từ gốc", tự động hóa, không giấy tờ, không tiếp xúc của một "Chính phủ không giấy tờ, không địa giới, không khoảng cách"; xây dựng, triển khai các “trợ lý ảo công vụ”, chatbot nội bộ, văn phòng thông minh, hệ thống quản trị nội bộ số dùng chung toàn lĩnh vực, toàn ngành.

Tổ chức ứng dụng AI dựa trên dữ liệu lớn trong các ngành, lĩnh vực quan trọng; thiết lập mô hình quản trị hành chính thông minh, có khả năng phản ứng nhanh và ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI); thực hiện AI một cách có trách nhiệm, phù hợp với các giá trị và nguyên tắc đạo đức.

Thứ năm, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực chuyển đổi số: Xây dựng các chương trình đào tạo tài năng, trung tâm đào tạo AI chuyên sâu để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đặt biệt với những chuyên gia, lao động kỹ thuật chất lượng cao trong lĩnh vực chuyển đổi số, tạo ra một "lực lượng tinh nhuệ" về công nghệ trong bộ máy nhà nước, đảm bảo vận hành tối ưu chính phủ số với nền hành chính số hiện đại.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác với các quốc gia có chính phủ số dẫn đầu trong khu vực như Singarpor, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, để học hỏi kinh nghiệm quản trị đất nước trên nền tảng số; tăng cường hợp tác với các chính phủ khác để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp các dịch vụ xuyên biên giới, đồng thời tối đa hóa lợi ích có thể phát sinh từ việc chia sẻ kiến thức và phối hợp các chiến lược số trên phạm vi quốc tế; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực chuyển đổi số.

Chuyển đổi số nền hành chính nhà nước không chỉ là một xu thế mà là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, mang tính chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, thành công của quá trình này không chỉ nằm ở công nghệ, mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy, thể chế và văn hóa công vụ. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã cung cấp một khuôn khổ toàn diện, định hướng rõ ràng và mạnh mẽ cho quá trình này, biến những khó khăn, thách thức thành cơ hội để xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm./.

Tài liệu tham khảo

(1). Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;

(2). OECD (2021), The E Leaders Handbook on the Governance of Digital Government; https://www.oecd.org/en/publications/, truy cập ngày 1/5/2025;

(3), (9). United Nation (2024), E-goverment Survey 2024, https://publicadministration.desa.un.org/, truy cập ngày 1/5/2025;

(4). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

(5). Đảng cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội;

(6). World Bank. (2021). GovTech Maturity Index: The State of Public Sector Digital Transformation. Washington D.C.: World Bank Group.
https://documents.worldbank.org, truy cập ngày 1/5/2025.

(7). Các văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020; Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020; Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/01/2022; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022; Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024; Quyết định số 422/QĐ-TTg và Quyết định số 206/QĐ-TTg); Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023; Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 9/01/2025 và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/202.

(8), (10). Bộ Nội vụ (2025), Báo cáo phục vụ xây dựng Đề án “Các giải pháp chiến lược thúc đẩy tăng trưởng “2 con số trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam.

 

<

Tin mới nhất

Một số giải pháp đột phá về chuyển đổi số hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại trong...(20/06/2025 8:28 SA)

Thực hiện thủ tục hành chính thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành...(20/06/2025 8:25 SA)

Sẵn sàng về hạ tầng CNTT phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp(13/06/2025 8:05 SA)

Tất cả các bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của...(06/06/2025 4:05 CH)

Thủ tướng: Các bộ cần rà soát, phân cấp, phân quyền hơn nữa cho địa phương(16/05/2025 10:32 SA)

Không tạo khoảng trống pháp luật khi sắp xếp tổ chức bộ máy(16/05/2025 10:22 SA)

Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW(16/05/2025 7:27 SA)

324 TTHC của 13 bộ, ngành có các thành phần hồ sơ đã được tích hợp vào tài khoản VNeID để đề xuất...(07/05/2025 9:43 SA)

°