Xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phục vụ Nhân dân

Xây dựng văn hóa công vụ, trọng tâm là đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với Nhà nước; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân là nhân tố quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến, tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, công chức… là nội dung tham luận của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà gửi tới Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà

TẦM QUAN TRỌNG VÀ CƠ SỞ CHÍNH TRỊ, PHÁP LÝ CỦA XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG VỤ

Xây dựng văn hóa công vụ là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân. Xây dựng văn hóa công vụ nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Đồng thời góp phần hình thành thái độ, phong cách ứng xử chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức. Văn hóa công vụ chính là những giá trị để tạo nên niềm tin, niềm tự hào, lòng yêu nghề, sự gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức; phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, các mục tiêu chính của nền hành chính là phục vụ lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó nêu rõ phải “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, yêu cầu “Xác định rõ xây dựng và phát triển văn hoá, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”; “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; “Khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”...

Chủ trương, chính sách trên đã được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước: Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã quy định về Văn hóa giao tiếp nơi công sở (Điều 16) và Văn hóa giao tiếp với nhân dân (Điều 17). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, xác định rõ mục tiêu là “nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội”. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021), trong đó nêu rõ quan điểm “cải cách hành chính phải gắn với nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và hành động sáng tạo; đổi mới lề lối làm việc, phương thức quản trị hiện đại”. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó chỉ đạo rõ cần phải “xây dựng hình ảnh đội ngũ công chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân”. 

Có thể khẳng định rằng, những chủ trương, chính sách, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý căn bản, cần thiết góp phần triển khai thực hiện văn hóa công vụ trong các cơ quan, tổ chức. Nhà nước ta luôn nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng to lớn của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, trong đó có xây dựng, nâng cao văn hóa công vụ hướng tới mục tiêu “xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân” mà Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 đã đề ra. 

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH XÂY DỰNG VĂN HÓA CÔNG VỤ THỜI GIAN QUA 

Những kết quả đã đạt được

Một là, lề lối, phương thức làm việc trong các cơ quan, tổ chức từng bước được đổi mới theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, thống nhất, thông suốt, hiện đại và hiệu quả. Các cơ quan, tổ chức đã rà soát, sửa đổi hoặc ban hành Quy chế làm việc, quy định rõ nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, quan hệ công tác, cách thức và quy trình giải quyết công việc. Tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động; nghiêm cấm lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đến nay hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, xử lý, ký số văn bản trên môi trường điện tử. Đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, nhiều cơ quan, tổ chức đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành công sở, giao ban, hội nghị, hội họp... để đảm bảo công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được duy trì bình thường, thông suốt. 

Hai là, kỷ luật, kỷ cương hành chính có những chuyển biến nhất định. Các bộ, ngành, địa phương đã chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đa số cán bộ, công chức giữ vững phẩm chất đạo đức công vụ, gương mẫu, đoàn kết trong nội bộ; tuân thủ quy định về thời gian làm việc, nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc trên các lĩnh vực công tác; khắc phục một bước tình trạng chậm trễ, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Ba là, tác phong làm việc, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức đã có nhiều tiến bộ. Trong giao tiếp với người dân cũng như quan hệ hợp tác, hỗ trợ với đồng nghiệp, phần lớn cán bộ, công chức luôn giữ tinh thần, thái độ lịch sự, hòa nhã. Nhiều cơ quan đã bố trí hòm thư góp ý tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả và công khai số điện thoại để người dân, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Một số cơ quan, tổ chức còn thường xuyên mở lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ, đặc biệt là các công chức trực tiếp thực hiện các giao dịch hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Qua đó, bước đầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc, mang lại sự hài lòng cho người dân.

Bốn là, công sở, trụ sở làm việc từng bước được xây dựng văn minh, lịch sự, hiện đại. Nhiều công sở được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp khang trang, có cảnh quan, môi trường làm việc tốt. Nhiều bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử. Tính đến ngày 15/7/2020, có 97% số bộ, cơ quan ngang bộ và 91% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã kết nối với mạng diện rộng (WAN); có 86,36% số bộ, cơ quan ngang bộ và 93,65% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm dữ liệu... Các địa phương trong cả nước đã tích cực thành lập, triển khai vận hành Bộ phận Một cửa để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; giúp công dân, tổ chức giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được thuận lợi, nhanh chóng. 

Có thể khẳng định rằng, các giá trị của văn hóa công vụ đã từng bước hình thành, phát triển; lan tỏa và tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Xây dựng văn hóa công vụ đã được gắn với nội dung cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công chức, công vụ; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, xã hội và sự phát triển của đất nước.  

Một số hạn chế và nguyên nhân

Một là, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng văn hóa công vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa thật sự đầy đủ. Công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên; có lúc có nơi còn thiếu nghiêm túc, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức còn chuyển biến chậm; còn thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng; bộc lộ yếu kém trong giao tiếp, ứng xử, chưa có thái độ tôn trọng, hòa nhã với Nhân dân, có biểu hiện thiếu thân thiện, thiếu hợp tác với đồng nghiệp; ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của cán bộ, công chức cũng như các cơ quan công quyền trước người dân và xã hội.

Hai là, phương thức, lề lối làm việc ở một số cơ quan, tổ chức chưa thay đổi mang tính căn bản; quy trình giải quyết công việc còn kéo dài; sự phối hợp còn thiếu chặt chẽ; việc sử dụng thời gian làm việc chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao. Năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, bất cập tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, trong đó có tình trạng một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương còn xảy ra tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, “trên nóng, dưới lạnh”, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Một bộ phận cán bộ có thái độ phục vụ, nhất là cán bộ tiếp xúc với dân, còn bất cập, chưa tận tụy và thuyết phục.  

Ba là, kỷ luật, kỷ cương tuy bước đầu được tăng cường nhưng thực tế có lúc có nơi còn lỏng lẻo, tuỳ tiện, chưa chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên. Công tác kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương từng nơi, từng lúc còn hạn chế. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu người dân vẫn xảy ra trong một bộ phận cán bộ, công chức. Việc phát hiện một số vụ việc tiêu cực chưa kịp thời, công tác xử lý cán bộ, công chức vi phạm chưa triệt để, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Thực trạng bất cập trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản như hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ chưa thành nề nếp. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện văn hóa công vụ ở một số nơi chưa được đề cao. Đặc biệt hiện nay chưa có các hình thức xử lý, biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với những cán bộ, công chức vi phạm văn hóa công vụ; nhiều hành vi vi phạm quy định văn hóa công vụ chưa được xử lý nghiêm, kịp thời. Chưa chú trọng xây dựng những tấm gương điển hình tiên tiến; chưa có hình thức khuyến khích, chế độ khen thưởng thỏa đáng đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và triển khai thực hiện văn hóa công vụ. 

GIẢI PHÁP TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ NÂNG CAO VĂN HÓA CÔNG VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, để góp phần tiếp tục xây dựng văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, liêm chính, phục vụ Nhân dân, chúng ta cần thực hiện tốt những giải pháp cụ thể sau: 

Một là, nghiêm túc quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó có văn hóa công vụ đáp ứng yêu cầu bối cảnh của tình hình mới. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”; “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”...

Những tư tưởng chỉ đạo trên phải được thể chế hóa trong các văn bản quản lý của các cơ quan nhà nước, phải được quán triệt sâu rộng trong toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động; làm cho các giá trị tốt đẹp của văn hóa công vụ thấm sâu và trở thành nền tảng vững chắc, thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng của một nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, vì Nhân dân phục vụ. 

Hai là, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy định về văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định về văn hóa công vụ trong Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm phù hợp với yêu cầu của bối cảnh tình hình mới. Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cần rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến văn hóa công vụ trong phạm vi thẩm quyền để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của cơ quan, tổ chức, của ngành, lĩnh vực, địa phương mình; góp phần đưa những quy định về văn hóa công vụ được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trong thực tế đời sống hoạt động công vụ từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về văn hóa công vụ. Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống; hình thành nhân cách, rèn luyện thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức theo chuẩn mực quy định, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, xứng đáng là “công bộc” của dân. Đồng thời cần coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Những giá trị truyền thống như tinh thần yêu nước; lòng tự tôn dân tộc; tình đoàn kết, tôn trọng nhân phẩm, cần cù trong lao động… là những giá trị trường tồn làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Những giá trị đó cũng phải được thấm nhuần trong quá trình xây dựng văn hóa công vụ Việt Nam trong thời kỳ mới.

Bốn là, chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Cán bộ, công chức phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; không được gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc; không thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn của người dân. Đồng thời cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trên tất cả các lĩnh vực công tác của bộ, ngành, địa phương để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm cũng như tuyên dương những tập thể, cá nhân có thành tích điển hình để nhân rộng, khen thưởng, động viên kịp thời.

Năm là, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong xây dựng, tổ chức thực hiện văn hóa công vụ. Người đứng đầu phải thật sự quan tâm, là tấm gương mẫu mực về văn hóa và đạo đức công vụ, giữ vững chuẩn mực trong đạo đức lối sống, giao tiếp, ứng xử... Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu không chỉ để cho cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức noi theo, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, mà còn góp phần tôn vinh những giá trị tốt đẹp của văn hóa công vụ, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, tăng cường niềm tin yêu của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức. 

Sáu là, ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo lộ trình nhằm đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý từ thủ công truyền thống chuyển sang điện tử và dựa trên dữ liệu số, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân. Tăng cường xử lý văn bản và hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, giảm hội họp, giấy tờ hành chính và chế độ báo cáo; giảm chi phí và thời gian xử lý công việc. Đồng thời chú trọng phát triển các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước. Có thể coi đây là khâu đột phá nhằm đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức trong nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. 

Xây dựng văn hóa công vụ mà trọng tâm là đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với Nhà nước; bảo vệ danh dự, lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân chính là nhân tố quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Xây dựng văn hóa công vụ luôn là một quá trình lâu dài và phải làm từng bước, chính vì vậy phải kiên trì, không nôn nóng, từng bước hình thành các giá trị văn hóa tốt đẹp trong hoạt động thực thi công vụ. Cần xây dựng, phát triển, tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của dân tộc; khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến, tài năng, trí tuệ và phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, coi đó là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển của nền hành chính Việt Nam trong thời gian tới./. 

tcnn.vn